07 Jan
07Jan

Tất tần tật về bộ phận buồng trong khách sạn

Nếu là người yêu thích lĩnh vực Nhà hàng – Khách sạn chắc hẳn bạn đã từng nghe đến bộ phận Buồng phòng đúng không nào? Vậy bạn có biết bộ phận Buồng phòng là gì và công việc thế nào không? Hãy cùng trungcapquantri tìm câu trả lời ngay sau đây nhé!

Để hoạt động của khách sạn được diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao, luôn cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các bộ phận. Chẳng hạn như khi khách hàng trả phòng, bộ phận Tiền sảnh có nhiệm vụ thông báo cho bộ phận Buồng vụ phòng để bộ phận này tiến hành kiểm tra, lau dọn và sắp xếp lại đồ đạc trong phòng, để sẵn sàng phục vụ lượt khách kế tiếp. Ngược lại, khi một căn phòng đã sẵn sàng đón khách, Buồng phòng phải thông báo lại cho bộ phận Tiền sảnh để họ có thể giới thiệu cho khách. Vậy cụ thể bộ phận Buồng phòng trong khách sạn làm công việc gì?

Bộ phận Buồng phòng là gì ?

Trong lĩnh vực Khách sạn, Buồng phòng còn được gọi là Housekeeping, có nhiệm vụ chính là đảm bảo chất lượng cho từng căn phòng. Bên cạnh đó, Buồng phòng còn được mệnh danh là “người hùng thầm lặng” và là bộ phận quan trọng hàng đầu khi đóng góp đến 60% tổng doanh thu của khách sạn. Không làm việc ở khu vực sang trọng, hào nhoáng như Front Office, bộ phận Buồng phòng làm hậu phương xây dựng, duy trì và phát triển chất lượng dịch vụ phòng, góp phần khẳng định thương hiệu riêng của khách sạn.

Bộ phận Buồng phòng chịu trách nhiệm đảm bảo hệ thống phòng khách sạn
 luôn sạch sẽ, ngăn nắp (Ảnh: Internet)

Những vị trí công việc trong bộ phận buồng phòng khách sạn

Bộ phận dọn phòng (Room Attendant)

Đây là nhiệm vụ không thể thiếu của bộ phận Buồng phòng cũng như quá trình hoạt động của khách sạn. Nhân viên dọn phòng có nhiệm vụ làm sạch sẽ, ngăn nắp toàn bộ hệ thống phòng trong khách sạn. Đồng thời, phải bổ sung những vật dụng, thiết bị cần thiết cho phòng khách sạn hàng ngày như: Amenities, khăn, đồ uống…

Bộ phận giặt ủi (Laundry)

Nhân viên giặt ủi có trách nhiệm thu gom, giặt ủi tất cả những vật như chăn, ga, vỏ gối… Đồng thời, khi khách hàng có nhu cầu, họ cũng phải thu gom tất cả quần áo của khách, giặt và ủi tất cả những bộ quần áo đó. Bên cạnh đó, khăn trải bàn, khăn ăn hay đồng phục của nhân viên khách sạn cũng do bộ phận giặt ủi đảm nhận.

Bộ phận tầng phòng (Public Area Attendant)

Nhân viên tầng phòng sẽ chịu trách nhiệm làm sạch và giữ gìn không gian chung ở các khu vực như sảnh, hành lang, cầu thang và nơi công cộng, phòng nghỉ của nhân viên…

Những kỹ năng cần có của nhân viên Buồng phòng

Hiểu rõ các thuật ngữ viết tắt

Do tính chất công việc của bộ phận Buồng phòng nên đồi hỏi nhân viên phải nắm rõ các thuật ngữ viết tắt trong ngành khách sạn. Một số thuật ngữ thường dùng như: CO (Phòng sự cố), OC (Phòng có khách), VC (Phòng trống sạch), VD (Phòng trống bẩn), VR (Phòng sẵn sàng đón khách), DND (Vui lòng không làm phiền), Make up room (Phòng cần làm sạch ngay), HU (Phòng sử dụng nội bộ), SLO (Phòng có khách ngủ bên ngoài), SO (Phòng khách ở lâu hơn dự kiến)…

Đồng phục phải gọn gàng, sạch sẽ

Vì là người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khách lưu trú nên nhân viên Buồng phòng cần chú ý đồng phục gọn gàng, sạch sẽ. Tuy phải hoạt động liên tục và tiếp xúc nhiều với bụi bẩn nhưng nhân viên Buồng phòng phải giữ trang phục không nhàu nát, không có mùi hôi, không dính vết bẩn.

Đồng phục nhân viên phải luôn gọn gàng, sạch sẽ, không nhàu nát (Ảnh: Internet)


Nắm rõ các nguyên tắc khi làm việc

Để hoàn thành công việc một cách tốt nhất, nhân viên Buồng phòng phải chuẩn bị đầy đủ vật dụng trước mỗi ca làm việc. Khi đến phòng của khách đang lưu trú, phải gõ cửa phòng và mở lời một cách nhẹ nhàng, lịch sự. Trong quá trình dọn phòng, nhân viên phải thực hiện theo quy định của khách sạn, phải xin phép khách trước khi dịch chuyển vật dụng cá nhân của khách; báo cáo cấp trên khi thấy các vật dụng bị hư hỏng hay đồ khách để quên…

Kỹ năng giao tiếp và xử lý các tình huống phát sinh


Cũng như những vị trí trong khách sạn, nhân viên Buồng phòng cần phải có kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống khẩn cấp linh hoạt. Vì như thế, nhân viên có thể hạn chế được những hậu quả đáng tiếc xảy ra và làm đẹp hình ảnh của khách sạn trong mắt khách hàng.

Với những thông tin trên đây, hy vọng các bạn đã hiểu hơn về bộ phận Buồng phòng trong khách sạn. Nếu yêu thích vị trí này thì đừng quên rèn luyện và phấn đấu hết mình nhé! Chúc các bạn thành công.

Tham khảo thêm bài viết khác:


Comments
* The email will not be published on the website.
I BUILT MY SITE FOR FREE USING