21 Nov
21Nov

Nổi băn khoăn của không ít bạn trẻ - Quả trị khách sạn có thất nghiệp không? 

Ngành Quản trị khách sạn có thất nghiệp không, làm khách sạn cần những tố chất gì là nỗi băn khoăn của rất nhiều bạn trẻ yêu thích và có định hướng theo đuổi ngành Quản trị khách sạn. Bài viết sau đâcó lẽ sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời.

Ngành Quản trị khách sạn có dễ xin việc không?

Bất kỳ ai cũng vậy, khi chọn học một ngành nào cũng đều băn khoăn về cơ hội việc làm của ngành đó. Với ngành Quản trị khách sạn, bạn có thể yên tâm bởi nhu cầu tuyển dụng lớn, bạn có thể dễ tìm được việc làm tại các khách sạn, ngu nghỉ dưỡng… từ hạng bình dân đến hạng cao cấp, sang trọng.

Nhu cầu nhân lực của ngành Quản trị khách sạn ngày càng tăng cao tại nước ta. 

Sự tăng trưởng nhanh chóng của các khối ngành Du lịch, Dịch vụ đã làm nền tảng để những ngành liên quan như kinh doanh khách sạn phát triển nở rộ. Nhìn vào thực tế số lượng khách sạn, khu nghỉ dưỡng mở ra không ngừng như hiện nay, bạn có thể cảm nhận được sức nóng của ngành này, đặc biệt là tại các trung tâm du lịch lớn. Nhu cầu tuyển dụng lao động ngành Nhà hàng – Khách sạn cũng theo đó tăng cao, không chỉ những vị trí Nhân viên phục vụ, Lễ tân… mà còn cả những cấp Quản lý. Nắm bắt theo xu hướng này, ngành Quản trị khách sạn trở thành một trong những ngành “hot” được nhiều bạn trẻ lựa chọn trong những năm gần đây.

Quản trị khách sạn là quản lý và tổ chức các hoạt động của khách sạn một cách hiệu quả và hợp lý, lập các báo cáo kết quả tài chính, các bản thu - chi; lập ra quy tắc trong việc quản lý nhân sự, quản lý tỷ lệ phòng bán ra và phòng còn trống, quản lý việc chế biến thực phẩm… đảm bảo theo các tiêu chuẩn của khách sạn, mang đến sự hài lòng cho khách và lợi nhuận cho khách sạn.

Điểm hấp dẫn của ngành Quản trị khách sạn đó chính là thu nhập hấp dẫn, môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, đẳng cấp, có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. Do đó, sau một thời gian làm việc, bạn sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công việc và cuộc sống.

Cơ hội việc làm ngành quản trị khách sạn

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành du lịch hiện nay cùng với việc ra đời ngày càng nhiều các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại các vùng du lịch trọng điểm hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên ngành quản trị khách sạn khi ra trường. Sau một thời gian làm việc và trau dồi vốn ngoại ngữ, sinh viên ngành khách sạn thậm chí có cơ hội ra nước ngoài làm việc với mức thu nhập hấp dẫn, hoặc giành lấy các suất học bổng du học ngành quản trị khách sạn giá trị.

Năm 2016, ngành quản trị khách sạn được đánh giá là một trong những ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất cả nước. Theo số liệu khảo sát của trường Đại học Công nghệ TP.HCM, có trên 95% sinh viên của trường sau khi ra trường đã tìm được việc làm có liên quan đến chuyên ngành. Đặc biệt, nhiều sinh viên đã đi làm bán thời gian trong các khách sạn ngay từ khi là sinh viên năm 2, năm 3.

Nhiều bạn sinh viên ngành Quản trị khách sạn đã xin được việc làm bán thời gian từ khi còn đang đi học.  

Cử nhân ngành Quản trị khách sạn sau khi ra trường có thể làm việc tại nhiều bộ phận của khách sạn, doanh nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch như: kinh doanh – marketing, quản trị nhân sự, hành chính, tài chính – kế toán, lễ tân, buồng phòng, nhà hàng, bếp, vui chơi – giải trí – thể thao,…; hoặc làm việc tại các cơ quan nghiên cứu, kinh doanh du lịch trong và ngoài nước; hay tham gia giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực đào tạo khách sạn – nhà hàng tại các trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề…

Để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng của ngành hiện nay, đòi hỏi các sinh viên theo học ngành Quản trị khách sạn phải có kiến thức chuyên môn cần thiết, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ thành thạo cũng như khả năng ngoại ngữ. Ngay bây giờ bạn cần đầu tư thời gian, công sức trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để luôn sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu từ nhà tuyển dụng.

Quản trị khách sạn lương bao nhiêu?

Hiện nay, mức lương của ngành Quản trị khách sạn đang nằm ở mức cao so với mặt bằng chung của thị trường lao động. Bên cạnh đó, đây là nhóm ngành nghề luôn ở trong tình trạng thiếu nhân lực nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi mức lương hấp dẫn để thu hút ứng viên.

Lương của ngành Quản trị khách sạn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của những ai đang làm việc trong ngành.  

 - Giám đốc khối bộ phận khách sạn (Director) là vị trí quản lý cấp cao, đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong khách sạn. Đây là những người sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo mọi hoạt động trong khối bộ phận mình phụ trách diễn ra đúng quy trình, tiêu chuẩn cũng như đạt hiệu quả tốt nhất. Mức lương ở vị trí này dao động từ 15 – 25 triệu đồng/ tháng (ở các khách sạn 3 – 5 sao). Nhiều khách sạn mới mở hiện sẵn sàng trả mức 2000 USD/ tháng cho vị trí này.

- Trưởng bộ phận (Manager) là vị trí cấp dưới của Giám đốc bộ phận nhưng có vai trò cũng không kém phần quan trọng. Họ sẽ là những người phụ trách những bộ phận nhỏ hơn, ví dụ như: Trưởng bộ phận Lễ tân, Trưởng bộ phận Nhà hàng… Tùy theo năng lực, kinh nghiệm và thỏa thuận mà nhân viên đảm nhận vị trí này có thể được trả mức lương từ 12 – 15 triệu đồng/ tháng chưa kể các đãi ngộ khác.

- Các vị trí Giám sát, Tổ trưởng là những vị trí hỗ trợ cho Trưởng bộ phận trong việc giám sát, kiểm tra và đánh giá hiệu quả làm việc trong bộ phận. Tùy theo vị trí, quy mô của khách sạn mà mức lương ở vị trí Giám sát, Tổ trưởng có sự chênh lệch, thường dao động ở mức 7 – 9 triệu đồng/ tháng (vị trí Giám sát) và 6 – 8 triệu đồng/ tháng (vị trí Tổ trường). Tuy nhiên, đây chỉ mới là mức lương cơ bản chưa tính thêm service charge hay các trợ cấp khác.

Do nhu cầu nhân lực ngành khách sạn đang trong tình trạng khan hiếm nên vì vậy mức lương của nhân viên khách sạn có sự chênh lệch giữa các nơi và còn tùy thuộc vào trình độ chuyên môn, tay nghề. Mức lương khởi điểm cho nhân viên ngành Quản trị Nhà hàng – Khách sạn khi trở thành nhân viên chính thức thường rơi vào khoảng 4 – 6 triệu đồng/ tháng (chưa bao gồm service charge).

Như đã đề cập ở trên, đây là mức lương mặt bằng chung hiện nay ngành Quản trị khách sạn. Tuy nhiên, do nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao nên nhiều nơi trả cao hơn các mức trên để thu hút nhân lực. Ở các khu vực như Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An… du lịch phát triển mạnh mẽ nên các nhà hàng, khách sạn đều trả mức lương khá, chế độ đãi ngộ tốt để thu hút nhân lực từ các thành phố lớn. Bù lại, người lao động phải cam kết gắn bó trong một thời gian nhất định.

Hy vọng với những thông tin mà bài viết mang lại thì đã giúp bạn trả lời thắc mắc cho câu hỏi: “Làm quản trị khách sạn có thất nghiệp không?” Giải mã được lý do tại sao chọn ngành Quản trị Khách sạn?  Nếu bạn đang tìm kiếm một công việc hấp dẫn, năng động vừa có mức thu nhập tốt thì đừng bỏ qua ngành này nhé!

Bạn có quan tâm:

Comments
* The email will not be published on the website.
I BUILT MY SITE FOR FREE USING